Logo là một loại của nhãn hiệu (nhãn hiệu hình). Đây là một dạng thiết kế phác thảo được sử dụng phổ biến gắn với sản phẩm hoặc dịch vụ của tổ chức/cá nhân. Nếu nhãn hiệu chỉ gồm những chữ cái hoặc từ mà không được thiết kế thì một logo có thể là một bản thiết kế của chính nó, với những chữ cái hoặc từ, hoặc một bản thiết kế đơn giản của các từ hoặc chữ cách điệu. Vậy đăng ký sở hữu độc quyền logo được thực hiện như thế nào? Hãy cùng Kim Long tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
NỘI DUNG CHÍNH CỦA BÀI VIẾT
CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐĂNG KÝ LOGO
Theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2022 về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ. Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa.
- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Một nhãn hiệu có khả năng được bảo hộ khi đáp ứng được khả năng phân biệt của nhãn hiệu theo quy định tại Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2022.
Quy trình đăng ký nhãn hiệu nói chung và với đăng ký bản quyền thương hiệu logo nói riêng được thực hiện theo quy định theo các bước từ Điều 108 đến Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2022.
Xem thêm:
CÁC LOẠI LOGO THƯỜNG DÙNG
Logo ngày càng được sử dụng phổ biến và thường xuất hiện ở:
- Website: Tất cả các doanh nghiệp sở hữu website đều sử dụng logo để tăng độ nhận diện thương hiệu và tính chất nhất quán trên nền tảng online. Logo thường đặt ở đầu trang hoặc chân trang web của mình để dễ dàng nhận biết đối với người truy cập.
- Danh thiếp: Khi thiết kế danh thiếp, người ta thường in thêm logo của công ty sẽ khiến khách hàng dễ ghi nhớ thương hiệu và tăng khả năng sẽ quay lại với doanh nghiệp.
- Giao tiếp với khách hàng: Logo xuất hiện trong tất cả hình thức giao tiếp hàng ngày, diễn ra thường xuyên cùng khách hàng, đối tác. Điều này càng củng cố bản sắc thương hiệu và tăng độ tin cậy của khách hàng đối với công ty.
- Social Media: Có logo thương hiệu trên các trang thông tin điện tử giúp lan tỏa, phát triển sự hiện diện liên kết thương hiệu.
TẠI SAO PHẢI ĐĂNG KÝ ĐỘC QUYỀN LOGO?
- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho logo: Cơ quan thực thi pháp luật chỉ tiến hành bảo vệ logo khi logo đã được đăng ký và được cơ quan đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký. Do đó, người sở hữu chỉ được pháp luật bảo vệ khi chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp logo. Và để chứng minh được quyền đó, bắt buộc cần phải đăng ký.
- Độc quyền sử dụng, ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép: Chỉ khi đăng ký, chủ sơ hữu mới được độc quyền sử dụng và ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm quyền đối với logo đã đăng ký.
- Cho phép bên khác sử dụng trên cơ sở nhượng quyền: Khi logo đã được nhiều người biết đến thì chủ sở hữu có thể cho phép một bên thứ ba sử dụng logo này trên cơ sở điều khoản được phép sử dụng và đặc biệt là bên sử dụng đó phải trả một khoản phí sử dụng. Như vậy, việc đăng ký logo còn góp phần tăng doanh thu cho các nhân/doanh nghiệp (chẳng hạn như việc chuyển nhượng hoặc bán lại quyền sử dụng thương hiệu).
- Tạo điều kiện để phát triển thương hiệu, logo lâu dài: Một sản phẩm mang logo có thể phát triển lâu dài lên tới hằng trăm năm. Thực tế đã chứng minh lịch sử phát triển rất lâu đời của một sản phẩm. Do đó, khi đăng ký và được bảo hộ thì hoàn toàn yên tâm để có thể phát triển cho sản phẩm đó trên thị trường. Một thương hiệu đã có tên tuổi sẽ dễ dàng thu hút sự đầu tư từ các đối tác, doanh nghiệp khác. Giúp cá nhân/doanh nghiệp củng cố, phát triển và mở rộng kinh doanh hơn trong tương lai.
- Nâng cao sự nhận diện thương hiệu: Một sản phẩm/dịch vụ có logo sẽ giúp dễ nhận biết và có sự tin tưởng hơn. Khi doanh nghiệp đưa ra các chiến lược marketing hoặc truyền thông có sử dụng sản phẩm/dịch vụ mang logo riêng, sẽ góp phần tạo dựng được uy tín đối với khách hàng. Không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp của công ty mà còn thu hút sự chú ý của những khách hàng mới cũng như dễ dàng gây ấn tượng để cạnh tranh với đối thủ.
NÊN ĐĂNG KÝ LOGO CÔNG TY HAY ĐĂNG KÝ LOGO CHO CÁ NHÂN?
Quyền đăng ký logo theo quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2022) quy định:
“1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
3. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó.
4. Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó.”
Như vậy: Theo quy định nêu trên, công ty hoặc cá nhân đều có quyền đăng ký logo cho sản phẩm/dịch vụ của mình. Việc khách hàng đăng ký logo đứng tên với chủ sở hữu là cá nhân và logo với chủ sở hữu là công ty về phạm vi quyền và chi phí đăng ký không có gì khác nhau. Việc đăng ký sở hữu hữu logo là cá nhân hay pháp nhân phụ thuộc vào việc khách hàng đang kinh doanh dưới hình thức nào. Ví dụ: Công ty đang tiến hành kinh doanh và sử dụng logo, khách hàng nên đăng ký chủ sở hữu logo là công ty để thuận lợi cho việc kinh doanh. Ngược lại, logo đang kinh doanh dưới hình thức cá nhân, mang tính đại diện hình ảnh cho một người thì khi đăng ký khách hàng sẽ đăng ký chủ sở hữu là cá nhân. Ngoài ra, việc đăng ký sở hữu hữu logo là cá nhân hay công ty còn phụ thuộc cả vào quyền quyết định của chủ sở hữu công ty. Trường hợp về sau có sự thay đổi về chủ sở hữu thì hoàn toàn có thể tiến hành thủ tục chuyển nhượng logo từ chủ sở hữu là pháp nhân sang chủ sở hữu là cá nhân hoặc ngược lại.
HỒ SƠ ĐĂNG KÝ LOGO
Để có thể tiến hành thủ tục đăng ký logo, chủ đơn đăng ký cần phải chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ đăng ký. Để khách hàng tham khảo, Kim Long xin hướng dẫn về tài liệu cần thiết trong hồ sơ đăng ký logo như sau:
+ Tờ khai đăng ký nhãn hiệu.
+ Mẫu logo cần đăng ký (File mềm JPEG), logo có kích thước không nhỏ hơn 80mm x 80mm. Một mẫu logo chuẩn mực bao gồm ba bộ phần cấu thành chính:
- Phần hình;
- Phần chữ;
- Khẩu hiệu.
+ Nhóm sản phẩm/dịch vụ cần đăng ký: Là sản phẩm/dịch vụ mà chủ đơn dự định gắn nhãn hiệu lên. Ví dụ: Logo Vinamilk gắn lên các sản phẩm sữa và sản phẩm từ sữa sẽ được phân vào nhóm sản xuất – bán buôn – bán lẻ sữa hộp, sữa bột, bột dinh dưỡng và các sản phẩm từ sữa khác.
+ Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền (không cần công chứng) trong trường hợp có ủy quyền.
+ Thông tin Công ty (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) hoặc chứng minh nhân dân đối với cá nhân để lấy thông tin trong trường hợp chủ sở hữu đăng ký logo là pháp nhân. Hoặc chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu trong trường hợp chủ sở hữu logo là cá nhân.
+ Một số giấy tờ, tài liệu khác trong trường hợp cụ thể.
THỦ TỤC ĐĂNG KÝ LOGO
Quy trình đăng ký logo sẽ được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị logo và phân nhóm sản phẩm/dịch vụ của logo cần đăng ký
Trước khi tiến hành đăng ký logo, chủ đơn đăng ký cần có bản thiết kế logo cho sản phẩm/dịch vụ của mình. Đồng thời cần tiến hành lựa chọn nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ mà logo sẽ đăng ký để được độc quyền.
Lưu ý:
- Nhóm sản phẩm/dịch vụ ở đây có nghĩa là sản phẩm/dịch vụ mà logo sẽ sử dụng để độc quyền. Ví dụ: Logo của Vinfast mang hình dáng chữ V và sẽ đăng ký cho nhóm sản phẩm xe ô tô.
- Chi phí và phạm vị quyền của logo sẽ phụ thuộc vào sản phẩm hoặc dịch vụ mà logo sẽ gắn lên. Ví dụ: Logo của Vinfast mang hình dáng chữ V sẽ đăng ký cho nhóm xe ô tô, khi tính phí đăng ký, logo này sẽ được tính cho 1 nhóm sản phẩm.
Bước 2: Tra cứu khả năng đăng ký logo để đánh giá khả năng đăng ký
Để đánh giá khả năng đăng ký logo, khách hàng có thể tiến hành tra cứu logo trước khi chính thức nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Kết quả tra cứu sẽ cho thấy logo có trùng hay tương tự với logo nào khác đã được bảo hộ hay nộp đơn trước đó hay không. Từ đó có thể sửa đổi logo nếu bị trùng hoặc tương tự hoặc có thể yên tâm nộp đơn đăng ký luôn.
Tài liệu cần thiết cho việc tra cứu logo:
- Mẫu logo (File mềm);
- Nhóm sản phẩm/dịch vụ cần tra cứu: Là sản phẩm/dịch vụ mà chủ đơn dự định gắn logo lên.
Lưu ý: Việc tra cứu khả năng đăng ký của logo là không bắt buộc. Tuy nhiên, để đánh giá được khả năng đăng ký, tiết kiệm thời gian và chi phí nộp đơn đăng ký, khách hàng cần tiến hành thủ tục tra cứu chính thức (có hai hình thức tra cứu 1 là tra cứu sơ bộ và 2 là tra cứu chính thức). Hiện nay có nhiều công ty tư vấn dịch vụ chào mời khách hàng với phí đăng ký logo giá rẻ và dịch vụ tra cứu nhưng thực chất chỉ là tra cứu sơ bộ và không mất phí (kết quả tra cứu sơ bộ chỉ chính xác được 20% – 30%).
Bước 3: Nộp đơn đăng ký logo tại Cục Sở hữu trí tuệ
Sau khi kết quả tra cứu cho thấy logo của khách hàng có khả năng đăng ký, thì tiến hành nộp đơn đăng ký sớm nhất để được hưởng ngày ưu tiên sớm (theo quy định của pháp luật Việt Nam, ai nộp đơn trước sẽ được hưởng ngày ưu tiên trước).
Đơn đăng ký logo sau khi được nộp sẽ trải qua các giai đoạn thẩm định khác nhau, sau quá trình thẩm định cơ quan đăng ký sẽ tiến hành thủ tục cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký logo (trường hợp từ chối Cục SHTT sẽ nêu rõ lý do từ chối). Các giai đoạn thẩm định đơn khi tiến hành thủ tục đăng ký logo như sau:
Giai đoạn 1: Thẩm định hình thức đơn đăng ký
Đơn đăng ký sau khi được nộp sẽ được phòng đăng ký – Cục SHTT thẩm định về mặt hình thức đơn, trong giai đoạn này Cục SHTT sẽ xem xét hình thức đơn đăng ký như: thông tin trên tờ khai đăng ký đã đầy đủ và chính xác chưa? Mẫu logo nộp kèm màu sắc có rõ nét và đúng kích thước chưa? Phí đăng ký đã được người nộp đơn nộp đầy đủ chưa?… Trường hợp đầy đủ, Cục SHTT sẽ ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ cho chủ sở hữu.
Thời gian thẩm định đơn ở gian đoạn này khoảng: 1-2 tháng tính từ ngày đơn đăng ký được nộp.
Giai đoạn 2: Công bố đơn đăng ký trên công báo sở hữu công nghiệp
Hàng tháng, Cục SHTT sẽ phát hành 02 công báo đơn (i) cho những đơn đã nộp (ii) cho những đơn đã được cấp văn bằng bảo hộ, tại đây với các đơn đã nộp và được hợp lệ, chủ sở hữu sẽ thấy được các đơn đăng ký của mình trên công báo.
Tức là, khi chủ đơn nhận được Quyết định chấp nhận hình thức của đơn, thì trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đó, đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp (căn cứ theo Điều 110. Công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2022).
Giai đoạn 3: Thẩm định nội dung đơn đăng ký
Khi Đơn đăng ký của Chủ đơn được công bố trên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ thì sẽ đến khoảng thời gian để thẩm định nội dung của Đơn đăng ký. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để đánh giá khả năng đăng ký logo trước khi ra thông báo nộp phí cấp giấy chứng nhận đăng ký cho chủ đơn hoặc người được chủ đơn ủy quyền.
Bước 4: Cấp giấy chứng nhận đăng ký logo cho chủ sở hữu
Việc cấp văn bằng sẽ được thực hiện trong 01 – 02 tháng sau khi chủ đơn đã nộp chi phí cấp văn bằng bảo hộ.
Như vậy, tổng thời gian đăng ký logo tính từ ngày nộp đơn cho đến khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký logo độc quyền là từ khoảng 14-16 tháng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng đơn đăng ký logo độc quyền nộp vào Cục SHTT ngày càng lớn (trung bình 1 năm khoảng hơn 45.000 đơn đăng ký). Do đó, tốc độ thẩm định đơn đăng ký thường kéo dài hơn so với thực tế và sơ bộ thời gian đăng ký logo khoảng từ 24-30 tháng tính từ ngày đơn được nộp và chấp nhận hợp lệ.
Trên đây là những nội dung chính về việc đăng ký logo. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Kim Long trân trọng hỗ trợ mọi yêu cầu về các vấn đề của khách hàng. Hãy liên hệ 082.5533.111 để được tư vấn trực tiếp miễn phí và giải đáp mọi thắc mắc 24/7.